Mỗi đất nước đều có một bộ trang phục truyền thống riêng mang quốc hồn quốc túy của đất nước đó. Việt Nam nổi tiếng với áo dài thướt tha, Hàn Quốc có Hanbok nhã nhặn, Nhật Bản ghi điểm với bộ Kimono điềm đạm thì Thái Lan cũng vậy. Người dân nước này đều rất yêu thích trang phục truyền thống và coi đây là niềm tự tôn dân tộc, mang bản sắc văn hóa Thái Lan giới thiệu với bạn bè năm châu thế giới.
Đặc điểm của trang phục truyền thống Thái Lan
Thông thường mỗi đất nước chỉ có một trang phục truyền thống đại diện. Nhưng đối với đất nước Thái Lan từ xa xưa vốn chỉ có một trang phục truyền thống. Thế kỷ 19, do các triều đình Thái ở cổ động cho sự thay đổi trong cách ăn mặc của người dân vì xu hướng mọi người thích một vẻ ngoài mang phong thái Tây phương hơn nên đã phát triển thành bộ truyền thống thứ hai.
Không giống với áo dài Việt Nam với những đường cắt xẻ bó sát khoe đường cong cơ thể, trang phục truyền thống Thái Lan được may khá thoải mái, màu sắc đa dạng, tinh tế, vừa đem lại sự dễ chịu khi mặc, vừa tạo nên nét thanh lịch cuốn hút lạ thường. Trang phục truyền thống của quốc gia này thường được may bằng lụa mềm nên mặc rất thoải mái và mát da. Thông thường, nam giới và nữ giới sẽ có kiểu trang phục truyền thống riêng mang những điểm thu hút riêng biệt. Về cơ bản, trang phục truyền thống Thái Lan dành cho nam không được đa dạng và nhiều mẫu mã như của nữ giới. Tuy nhiên, nó không vì thế mà mất đi nét riêng vốn có mà ngược lại, lại rất độc đáo và tinh tế.
Phân loại trang phục truyền thống của Thái Lan
Trang phục truyền thống Thái Lan chia làm 2 dạng: trang phục cung đình và trang phục bình dân.
Trang phục bình dân
Trang phục bình dân dành cho nữ giới
Đối với phụ nữ, bộ trang phục căn bản là một cái phasin, tức là cái váy gồm hai hay ba mảnh vải may thành hình ống được quấn quanh lưng và gấp mép ở rốn. Phasin có thể để trơn, không thêu thùa gì, nhưng thường thì chúng có họa tiết và màu sắc theo những kiểu cách phân biệt theo mỗi vùng hay mỗi nhóm sắc tộc. Ngày nay, phasin bị coi như trang phục của người nghèo và những người vùng quê. Người ta chỉ còn mặc nó ở nơi thôn quê hay tại các đám rước trong các ngày lễ hội mà thôi.
Trang phụ bình dân dành cho nam giới
Điểm đặc biệt trong trong trang phục của nam giới là phá khảo. Phá khảo ở đây được hiểu là một mảnh vải khổ 70cm, dài cỡ 1m60cm, trong khá giống với cái khố của Việt Nam khi xưa. Nhưng chúng không đơn điệu như màu nâu màu cói mà được làm từ những mảnh vải màu sắc sặc sỡ khác nhau trông rất đẹp mắt.
Nhìn có vẻ đơn giản nó vô cùng tiện lợi, có thể biến hóa thành nhiều chức năng khác nhau. Chúng có thể được cuốn vào người như đóng khố khi tắm hay mặc như một chiếc quần đùi khi sinh hoạt tại nhà. Thậm chí dùng để đánh cá, làm ruộng hoặc cũng có khi người ta dùng nó để cuốn trên đầu thành cái khăn xếp rằn.
Tuy vậy nhưng chiếc phá khảo không hề kệch cỡm hay lố bịch. Nó thể hiện một nét rất riêng biệt, độc đáo trong văn hóa Thái Lan.
Chiếc phá khảo thường được đi cùng với chiếc áo vải bình thường khác. Chúng cũng được làm từ những dải màu rất rực rỡ.
Trang phục cung đình
Trang phục cung đình dành cho nữ giới
Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Lan được chia làm 8 nhóm: Chakkri, Boromphiman, Siwalai, Chakkraphat, Chitlada, Ruean Tôn, Amarin và Dusit.
Trong đó ba kiểu Thai Chakkri, Thai Borompiman và Thai Siwalai được phụ nữ Thái Lan ưa thích và sử dụng rộng rãi hơn cả cho tới tận ngày nay.
Thai Chakkri là bộ trang phục chính được người phụ nữ Thái Lan mặc trong những dịp quan trọng. Đường nét của Thai Chakkri tinh tế, nó bao gồm một chiếc váy dài quấn quanh người gọi là Phasin và một chiếc khăn dệt vắt qua vai. Đây có vẻ là bộ trang phục “hiện đại” nhất so với các loại trang phục khác. Bởi vì khăn vắt qua vai nên một bên vai với xương quai xanh quyến rũ sẽ được lộ ra. Trang phục truyền thống này vừa mang lại vẻ đẹp quyến rũ, duyên dáng kiểu truyền thống và mang hơi hướng hiện đại tôn lên những đường cong của người phụ nữ. Có lẽ vì thế mà đây là kiểu trang phục được sử dụng nhiều nhất trong các phim truyền hình Thái Lan.
Thai Borompiman có cổ áo may cao có phần “kín cổng cao tường” hơn nên trông đứng người và giản dị hơn Thai Chakkri. Kiểu trang phục này thường mặc được sử dụng trong những buổi tiệc tối trang trọng. Thai Borompiman được thiết kế với áo dài tay với nút cài phía trước hoặc sau cổ, chân váy cùng tông màu, chấm mắt cá chân. Nhưng điểm nhấn của Thai Borompiman là những họa tiết bắt mắt được thêu cầu kỳ dưới chân váy. Khi đi, những đường thêu đó chuyển động nên trông rất sống động. Đơn giản là vậy nhưng được rất nhiều chị em lựa chọn giúp tôn dáng cũng như thể hiện được sự nhã nhặn, quý phái.
Thái Siwalai khá giống với Thái Borophiman tuy nhiên Thái Siwalai coa thêm một khăn choàng trên vai. Không quá hiện đại như Thai Chakkri cũng không quá trang trọng như Thai Borompiman, đây có lẽ là lựa chọn lý tưởng nhất trong các sự kiện chính thức hay nghi lễ hoàng gia. Một chút nữ tính, nhẹ nhàng nhưng vẫn kiêu sa, trang trọng là tính từ khi miêu tả bộ trang phục Thai Siwalai.
Mỗi loại trang phục sẽ có một nét đẹp riêng và được sử dụng trong những trường hợp khác nhau với những mục đích và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tựu chung, trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Lan vừa mang lại vẻ quyến rũ và duyên dáng kiểu truyền thống, vừa giúp tôn lên những đường cong quyến rũ của phụ nữ Thái Lan. Từ kiểu dáng đến những đường nét, ta đều cảm giác bộ trang phục truyền thống của xứ chùa Vàng có một chút thần bí nào đó, rất hút mắt người nhìn. Phải chăng, đó là yếu tố “Thần” mà người ta vẫn hay nói?
Trang phục cung đình dành cho nam giới
Về cơ bản, đối với nam giới, trang phục cung đình không khác mấy với trang phục bình dân. Vẫn là chiếc phá khảo nhưng đối với trang phục cung đình hướng đến sự nhã nhặn nên màu sắc đã được tiết chế một chút. Không còn những màu như xanh nõn chuối hay xanh da trời mà thường là màu vàng trầm-màu đại diện cho quyền lực hoàng giá. Áo cũng đã được cải biến. Nó trông khá giống với áo vest hiện nay. Nhưng chiếc áo truyền thống Thái này không có cổ bẻ như vest phương Tây mà cổ đứng và đính cúc từ trên xuống dưới thể hiện sự lịch lãm, tôn quý.
Có thể nói, những bộ trang phục truyền thống đã thể hiện được quốc hồn, quốc túy của đất nước xứ chùa Vàng này. Đó chính là sự lịch lãm, nhã nhặn và thân thiện gần gũi. Hy vọng những thông tin này sẽ mở mang tầm hiểu biết của các bạn về mảnh đất này cũng như sẽ giúp các bạn có một cái nhìn thiện cảm hơn, yêu quý hơn đối với những bộ trang phục truyền thống này. Nếu có cơ hội đặt chân đến đấy, đừng quên ướm thử lên mình một bộ trang phục truyền thống Thái Lan về làm kỷ niệm nhé!